
Trong một thị trường thể thao thế giới được định giá lên tới 700 tỷ USD, với doanh thu và lợi nhuận khổng lồ đến từ thương vụ mua bán bản quyền truyền thông, thể thao Việt Nam buộc phải nhập cuộc chơi chung với nhiều toan tính hơn.
Theo ông Pierre-Paul Vander Sande, Tổng giám đốc Canal Plus Advertising, trong năm 2017, tổng giá trị tài trợ thể thao (Sport Sponsorship Value) trên toàn cầu đã lên đến 62,8 tỷ USD, tăng đều mỗi năm từ con số 37 tỷ USD trong năm 2007. Điều này cho thấy các thương hiệu ngày càng chi tiêu nhiều hơn vào thị trường tiếp thị thể thao.
Chỉ trong trận chung kết UEFA Champion League năm 2017 giữa Real Madrid và Juventus, Gum Gum Sport – công ty chuyên về đo lường giá trị quảng cáo thể thao – đã đo được có đến 517 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội, hàng tỷ lượt hiển thị, hơn 1.000 phút tổng thời gian có logo thương hiệu bất kỳ xuất hiện rõ trong khung hình suốt trận đấu, giá trị truyền thông tương đương 164 triệu USD. Trong đó, 2 thương hiệu thắng lớn về mặt tài trợ là Adidas và Emirates với giá trị truyền thông thu về tương đương 113 triệu USD, chỉ với quyền tài trợ logo trên quần áo 2 đội.
“Tiềm năng của tiếp thị thể thao không chỉ nằm ở việc tăng độ nhận diện thương hiệu, mà còn giúp họ gắn kết, tăng độ trung thành và truyền tải thông điệp, định vị của mình”, ông Pierre-Paul nói.
Trong khi đó, ông Koon Kee Phua, Giám đốc điều hành Aquarius Vietnam lại đưa ra những con số khả quan về thị trường bản quyền truyền thông thể thao toàn cầu. Cụ thể, giá trị bản quyền truyền thông thể thao toàn cầu (Sports Media Rights Value) vào năm 2018 đạt 49,5 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt 54 tỷ USD vào năm 2021. Top 10 môn thể thao có giá trị bản quyền truyền thông toàn cầu cao nhất thuộc về “ông vua thể thao” bóng đá với con số 18,8 tỷ USD, theo sau là bóng bầu dục với 7,2 tỷ USD và bóng rổ 4,3 tỷ USD.
Lời khuyên cho doanh nghiệp muốn làm marketing thể thao (doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu thông qua thể thao):
Theo ông Koon Kee Phua, các xu hướng về hành vi xem thể thao của người tiêu dùng đang thể hiện qua 4 yếu tố mà các doanh nghiệp muốn làm marketing thể thao phải hiểu rõ. Trong đó, sự xuất hiện của các thiết bị xem thể thao mới qua smartphone, tablet, bình luận, chia sẻ và livestream để được trải nghiệm, gắn kết và trở thành một phần của giải đấu sẽ giúp các thương hiệu có cơ hội mở rộng phạm vi xuất hiện trên nhiều thiết bị, nhiều kênh phát sóng, tăng độ tiếp cận người tiêu dùng.
Chiến thắng chỉ dành cho những thương hiệu đam mê thể thao thực chất trong tài trợ và quảng bá. Ông Pierre-Paul cho rằng, việc tài trợ và sử dụng nội dung thể thao của các thương hiệu không chỉ dựa vào cảm tính và chạy theo đối thủ, phong trào, mà cần qua một quá trình nghiên cứu, khảo sát để xác định được đúng nội dung thể thao phù hợp với sản phẩm và thương hiệu của mình.
Các thương hiệu cũng không nên quá tập trung vào việc chi tiền tài trợ, mà còn cần triển khai các hoạt động kích hoạt và quảng bá gói tài trợ, để mang lại trải nghiệm cho người dùng đam mê. Hiện có nhiều thương hiệu sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD, thậm chí là hàng trăm triệu USD chỉ để tài trợ và không làm gì thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phí hoài nguồn lợi mà kinh tế thể thao mang lại.
Nguồn: baodautu.vn