
Tiền bán vé các trận đấu là nguồn thu quan trọng của các CLB ở Thái Lan. Nhưng các đội bóng ở Thai-League không chỉ biết “móc túi” người xem từ tiền vé. Họ còn có nhiều hoạt động khác để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khán giả. Đây cũng chính là nguồn thu không nhỏ cho CLB.
Buriram United là ví dụ điển hình. CLB này đã xây dựng một khu phức hợp thể thao với các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi (bao gồm cả cho thuê phòng khách sạn)… để phục vụ mọi đối tượng, kể cả những người không mê bóng đá. Chẳng hạn, trong một gia đình có người chồng mê bóng đá trong lúc vợ và các con không thích thì khi đến khu phức hợp này trong ngày nghỉ cuối tuần, các thành viên đều có thể tham gia các hoạt động mà mình ưa thích: Chồng xem bóng đá, trong lúc vợ làm đẹp, còn con cái có thể thưởng thức phim ảnh, chơi game…
Các dịch vụ trên không chỉ mở cửa vào cuối tuần mà tất cả các ngày trong tuần. Thêm nữa, CLB này còn mở các quầy lưu niệm, quần áo thi đấu của các cầu thủ. Lãnh đạo của Buriram United chủ trương không kiếm lời nhiều, mà mục tiêu quan trọng là phục vụ khán giả và quảng bá hình ảnh của đội bóng. Hơn hết, với một tổ hợp các dịch vụ ấy thì người xem đến sớm cũng không quá sốt ruột khi phải đợi đến giờ trận đấu diễn ra, bởi họ có thể “giết thời gian” bằng cách tham gia, sử dụng các dịch vụ ấy. Khán giả tiêu xài cũng đồng nghĩa, nguồn tiền này sẽ “chảy” vào túi của CLB.
Ở Việt Nam tại thời điểm này, rõ ràng là chưa có một đội bóng nào biết cách để “móc túi” khán giả ngoài việc bán vé và bán áo (việc bán áo cũng rất ít, có khi chỉ là chiếu lệ). Vì thế, để tăng nguồn thu, các đội bóng ở V-League cần học hỏi mô hình kinh doanh của các CLB có doanh thu lớn trong khu vực và châu lục để nhanh chóng xây dựng chiến lược bán hàng nhằm tăng doanh thu cho chính mình. Chỉ có như thế mới giúp cho các CLB ở V-League có thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá” chứ không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hay một nhà tài trợ nào đó.
Bán tên sân cũng là một nguồn thu lớn

SVĐ của Buriram lấy tên theo thương hiệu viễn thông hàng đầu của Thái Lan
Trên thế giới, nhiều CLB bóng đá còn kiếm được tiền nhờ việc cho các thương hiệu mua lại… tên SVĐ. Mô hình “làm ăn” này không chỉ có ở châu Âu mà ngay tại Đông Nam Á cũng đã được nhiều CLB Thái Lan hay Malaysia áp dụng.
Tại Thái Lan, Buriram United đặt tên của SVĐ được họ xây mới và đưa vào sử dụng từ năm 2011 là “I-mobile” – một thương hiệu viễn thông hàng đầu ở nước này. Trong khi đó, sân nhà của Muangthong United thì trong 7 năm qua đã 2 lần đổi tên để CLB này kiếm tiền từ các thương hiệu SGC và Yamaha.
Tại Việt Nam hiện nay, chưa CLB nào sở hữu riêng một SVĐ nên chưa thể làm được theo cách kể trên. Nhưng nếu được trao một cơ chế phù hợp từ các cơ quan chức năng, hướng “làm kinh tế” này hứa hẹn sẽ giúp các CLB Việt Nam có thêm nguồn thu không nhỏ.
Nguồn: bongdaplus.vn