
Công ty kiểm toán Deloitte mới đây đã công bố kết quả kiểm toán các giải vô địch hàng đầu châu Âu mùa giải 2013-2014, trong đó giải Ngoại hạng Anh (Premier League) mang lại nguồn tiền khổng lồ, đạt doanh thu là 5,02 tỷ USD, có nghĩa là giải ngoại hạng Anh với 20 đội bóng thực hiện đua tài cùng nhau đã mang lại số tiền ước tính bằng 1/2 tổng sản phẩm quốc nội ngành nông nghiệp của Việt Nam, do 50 triệu nông dân làm ra trong năm 2014.
Trong tổng doanh thu 5,02 tỷ đô la này, 20 đội bóng Ngoại hạng Anh này đã tạo ra lợi nhuận là 944 triệu đô la, trong đó đứng đầu là đội Manchester United với lợi nhuận 180 triệu USD với tổng doanh thu là 666 triệu USD cho dù đội này không giành được chức vô địch.
Số tiền được thu từ việc bán bản quyền truyền hình, bán vé xem các trận đấu, từ hoạt động thương mại dịch vụ đi kèm của Manchester United đều tăng cho dù thực tế cho thấy đội bóng này đá xuống chân trong các trận đấu. Đội bóng Tottenham dù không được vào top 4 đội đứng đầu của mùa giải 2013-2014 nhưng cũng ghi nhận số tiền lãi trước thuế kỷ lục là 123 triệu đôla.
Riêng phần bản quyền truyền hình của Giải ngoại hạng Anh này đã thu được 2,7 tỷ đôla cho các câu lạc bộ, chiếm 54% tổng doanh thu. Doanh thu thương mại (mua bán các cầu thủ) của giải này đạt mức 1,3 tỷ đô la, tăng 208 triệu đô la so với mùa giải trước, trong đó doanh thu thương mại của riêng 6 đội bóng là Arsenal, Chelsea, Man Utd, Man City, Liverpool và Tottenham đã chiếm tới 78% doanh thu thương mại của giải Ngoại hạng Anh. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh đã thu được 2,15 tỷ đôla tiền thuế từ 92 CLB thuộc các hạng đấu mạnh nhất xứ sương mù.
Song song với thời điểm Công ty kiểm toán Deloitte công bố số liệu kiểm toán giải ngoại hạng Anh, Công ty kiểm toán KPMG cũng đã công bố một số số liệu về ngành công nghiệp bóng đá Tây Ban Nha vốn nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới.
Theo thông tin từ Công ty KPMG, tổng giá trị mà nền bóng đá chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha tạo ra trong năm 2013 là 7,6 tỷ euro, tương đương với 0.75% tống sản phẩm quốc nội của nền kinh tế của Tây Ban Nha, trong đó nộp cho Chính phủ Tây Ban Nha là 2,8 tỷ euro dưới các hình thức thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các khoản an sinh xã hội khác.
Bên cạnh đó, nền công nghiệp bóng đá Tây Ban Nha đã tạo ra 140.000 việc làm thường xuyên cho người dân Tây Ban Nha, trong đó 47% việc làm liên quan trực tiếp đến các trận đấu, tất nhiên bao gồm cả nghề cầu thủ chuyên nghiệp.
Vào tháng 5 vừa qua, Tạp chí danh tiếng thế giới Forbes đã công bố danh sách những câu lạc bộ bóng đá có giá trị thương mại lớn nhất hành tinh, trong đó đứng đầu là đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid. Đội bóng này đã vượt qua câu lạc bộ Manchester United của nước Anh kể từ năm 2013 cho đến thời điểm này để giữ ngôi số một trong bảng danh sách những đội bóng có giá trị lớn nhất thế giới.
Giá trị của một câu lạc bộ được Forbes tính toán dựa trên giá trị cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán, tổng số tiền hiện đang nợ, giá trị sân vận động, lợi nhuận trước thuế hàng năm và các nguồn thu chi từ hoạt động chuyển nhượng cầu thủ.
Danh sách này cho thấy 8 đội bóng của giải ngoại hạng Anh chiếm đa số trong top 20 đội bóng có giá trị thương mại lớn nhất. Nước Đức có Bayern Munich, Dortmund và Schalke. Tây Ban Nha góp thêm một đại diện khác là Atletico Madrid, Italia có 4 đội trong khi Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi nước có một đội.
Nguồn: dkn.tv